spot_img

Những thắc mắc về khoản phụ cấp được tính để đóng bảo hiểm xã hội (Phần 1)

Hỏi: Doanh nghiệp có khoản bổ sung: “Hỗ trợ xăng xe cho bộ phận kinh doanh và nhà ở công nhân viên công ty”. Theo TT 47 thì khoản bổ sung này không phải đóng BHXH. Nhưng khoản bổ sung này được chi cố định hàng tháng theo lương. Như vậy bổ sung này có phải đóng BHXH không?

Trả lời:

-Căn cứ Khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

=> Thực hiện theo quy định trên, khoản hỗ trợ xăng xe không được tính làm căn cứ đóng BHXH.

Hỏi:

Tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp lần thứ 172, lãnh đạo Sở Lao Động và thương binh xã hội cùng Lãnh đạo BHXH thành phố đã khẳng định: Đối với những khoản tiền thưởng theo kết quả, thành tích công việc (mức tiền thưởng này là không cố định mà dựa trên kết quả kinh doanh, công việc hoản tất) được thưởng định kỳ theo tháng, theo quý, thì những khoản tiền này không là phải đóng BHXH.

Từ vấn đề này, mong quý Sở tư vấn giúp: Theo Tiết 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2014, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương cố định hàng tháng, chỉ được nhận tiền thưởng theo quý, năm dựa trên kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp theo quy chế lương thưởng của Công ty, thì người quản lý doanh nghiệp không là đối tượng phải tham gia BHXH?

Điều 2. Đối tượng áp dụng – Luật BHXH:

… – Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương

Điều 4. Giải thích từ ngữ – Luật Doanh Nghiệp 2014: … 18. Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Trả lời:

-Căn cứ Điểm 1.5 Khoản 1 Điều 4 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam quy định đối tượng tham gia BHXH là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

-Căn cứ Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 6 Quyết định trên quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

=> Thực hiện theo quy định trên, người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương thì không phải đóng BHXH.

Hỏi: Căn cứ vào Điều 4 thông tư 47/2015/TT- BLĐTBXH về tiền lương và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động, Điều 30 thông tư 59/2015/TT- BLĐTBXH về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì công ty hàng tháng có chi trả tiền thưởng doanh số (chi cùng ngày trả lương) cho bộ phận kinh doanh vượt mức doanh số công ty đặt ra thì sẽ được hưởng % trên doanh số vượt đó (số tiền thưởng này tháng nào cũng có nhưng số tiền thì khác nhau, không cố định, không tháng nào bằng tháng nào). Vậy xin BHXH Thành phố hướng dẫn giúp công ty xem với khoản tiền thưởng doanh số này thì cty và người lao động có cộng vào để tính nộp BHXH cho năm 2018 không?

Trả lời:

-Căn cứ Điều 30 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.

-Thực hiện theo quy định trên, khoản tiền thưởng doanh số nếu được xác định bằng mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận ghi trong hợp đồng và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương lao động thì phải đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, Bệnh nghề nghiệp

Hỏi: Công ty chúng tôi hàng tháng đang trả cho người lao động các khoản thu nhập như sau:

-Lương cố định (còn gọi là lương cơ bản) được ghi trong hợp đồng dùng để làm mức lương đóng các khoản bảo hiểm cho người lao động.

-Lương trách nhiệm (cấp quản lý được nhận lương trách nhiệm hàng tháng), lương này không có ghi trong hợp đồng lao động.

-Lương năng suất (tùy theo năng suất hoặc doanh số của từng người hàng tháng tạo ra, nên số lương này đến cuối tháng mới xác định được số tiền là bao nhiêu) lương này không có ghi trong hợp đồng lao động.

-Lương kiêm nhiệm (cho những người kiêm nhiệm nhiều chức danh như Chủ tịch công đoàn…) lương này không có ghi trong hợp đồng lao động.

Chúng tôi nhờ đơn vị hướng dẫn cho chúng tôi biết là Công ty của chúng tôi phải đóng các loại Bảo hiểm cho người lao động trên những khoản thu nhập nào trong các khoản thu nhập được nêu ở trên kể từ ngày 01/01/2016? Và dựa vào văn bản pháp luật hướng dẫn nào?

Trả lời:

-Căn cứ Khoản 1 Điều 30 của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: “Phụ cấp lương là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự”.

-Khoản 3 Điều 30 quy định “Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động”.

=>Công ty đối chiếu quy định các khoản phụ cấp theo đúng quy định trên để thực hiện.

Related Articles