spot_img

Vấn đề đối thoại tại nơi làm việc và ký kết thỏa ước lao động trong pháp luật lao động

Hỏi: Tôi mới về làm việc tại doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì sản phẩm với quy mô khoảng gần 200 người lao động. Hiện tại tôi đang tìm hiểu các quy định về đối thoại tại nơi làm việc. Xin hỏi theo quy định của pháp luật hiện hành, người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong những trường hợp nào?

Trả lời:

Đối thoại tại nơi làm việc là việc chia sẻ thông tin, tham khảo, thảo luận, trao đổi ý kiến giữa người sử dụng lao động với người lao động hoặc tổ chức đại diện người lao động về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích và mối quan tâm của các bên tại nơi làm việc nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, cùng nỗ lực hướng tới giải pháp các bên cùng có lợi.

Theo khoản 2 Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, người sử dụng lao động phải tổ chức đối thoại tại nơi làm việc trong những trường hợp sau đây:

– Định kỳ ít nhất 01 năm một lần;

– Khi có yêu cầu của một hoặc các bên;

– Khi có vụ việc quy định tại điểm a khoản 1 Điều 36, các điều 42, 44, 93, 104, 118 và khoản 1 Điều 128 của Bộ luật Lao động.

Hỏi: Tôi có một doanh nghiệp dệt may với 200 lao động đang làm việc. Xin hỏi việc lấy ý kiến và ký kết thỏa ước lao động tập thể đối với doanh nghiệp của tôi được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 76 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định  đối với thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 50% người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.

Như vậy, với doanh nghiệp của bạn, trước khi ký kết, dự thảo thỏa ước lao động tập thể đã được các bên đàm phán phải được lấy ý kiến của toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp chỉ được ký kết khi có trên 100 người lao động của doanh nghiệp biểu quyết tán thành.

Hỏi: Cho tôi hỏi có phải Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là người có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu hay không?

Trả lời:

Điều 87 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định: “Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu”.

Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không phải là chủ thể có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu mà là Tòa án nhân dân.

Related Articles