spot_img

Vấn đề lao động nữ trong pháp luật lao động

Hỏi: Tôi mới phát hiện có thai, bác sỹ tại phòng khám tư yêu cầu tôi nghỉ ngơi cho qua 03 tháng để giữ thai nhi ổn định, vì cơ địa của tôi không tốt, dễ hư thai nếu đi lại vận động nhiều. Tôi xin nhà máy nghỉ không lương 02 tháng, nhưng nhà máy yêu cầu phải có đơn xác nhận của bác sỹ tại bệnh viện huyện về thời gian tạm nghỉ, chứ không chấp nhận xác nhận của bác sỹ tư nhân. Bệnh viện huyện ở xa nhà tôi, đi lại bất tiện. Nhà máy yêu cầu như vậy có đúng không?

Trả lời:

Việc nhà máy yêu cầu phải có đơn xác nhận tại bệnh viện huyện là không đúng quy định của luật lao động, luật không yêu cầu bắt buộc phải có đơn xác nhận thời gian tạm nghỉ của lao động nữ mang thai mà linh hoạt cho bên người lao động và người sử dụng lao động tự thỏa thuận về thời gian này. Cụ thể Điều 138 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai như sau:

1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.

2. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Hỏi: Sau khi sinh con được 4 tháng tôi đi làm lại, dù theo luật lao động tôi được nghỉ 06 tháng. Đi làm sớm hơn, tôi có được hưởng trợ cấp thai sản trong 02 tháng chênh lệch không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019 thì chị vẫn được hưởng trợ cấp thai sản trong 02 tháng chị đi làm sớm hơn, theo quy định của bảo hiểm xã hội. Cụ thể: “Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 nêu trên, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.

Hỏi: Tôi có được trợ cấp khi nghỉ chăm con ốm không?

Trả lời:

Anh/chị sẽ được hưởng trợ cấp trong thời gian nghỉ việc khi chăm sóc con dưới 07 tuổi khi ốm đau. (Vì anh/chị không nói rõ con anh/chị bao nhiêu tuổi nên không biết có thuộc trường hợp này không). Cụ thể điều 141 Bộ luật Lao động quy định trợ cấp trong thời gian chăm sóc con ốm đau, thai sản và thực hiện các biện pháp tránh thai như sau: Thời gian nghỉ việc khi chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau, khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, triệt sản, người lao động được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Related Articles