spot_img

Trường hợp nào Tòa án yêu cầu người nộp đơn nộp bổ sung tiền tạm ứng chi phí phá sản?

Hỏi:

Trường hợp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà thấy rằng số tiền tạm ứng chi phí phá sản do người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nộp không đủ thì Tòa án có yêu cầu người nộp đơn nộp bổ sung tiền tạm ứng chi phí phá sản nữa không?

Trả lời:

“Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” (khoản 14 Điều 4 Luật Phá sản).

“Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật Phá sản.” (khoản 2 Điều 23 Luật Phá sản).

Như vậy, việc nộp tạm ứng chi phí phá sản là nghĩa vụ bắt buộc của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi họ nộp đơn và khoản tiền tạm ứng do Tòa án quyết định chỉ là dự tính ban đầu để có căn cứ cho người yêu cầu nộp (khoản 1 Điều 38 Luật Phá sản) trên cơ sở quy định tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16-02-2015 của Chính phủ về chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Do vậy, trong quá trình giải quyết phá sản nếu xét thấy phát sinh các chi phí tiếp theo để Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoạt động giải quyết phá sản thì Tòa án có quyền yêu cầu người nộp đơn phải tiếp tục nộp tạm ứng chi phí phá sản.

Nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không nộp bổ sung tạm ứng chi phí phá sản thì căn cứ vào các quy định tại điểm e khoản 1 Điều 16, khoản 6 Điều 9 và khoản 3 Điều 23 Luật Phá sản, Thẩm phán tự mình hoặc theo yêu cầu của Quản tài viên quyết định việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản và giao cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm trả đủ chi phí phá sản.

Related Articles