spot_img

Hướng Dẫn Thủ Tục Đầu Tư Nước Ngoài Trong KCN: Từ A-Z 2025

I. Giới thiệu

Đầu tư nước ngoài trong Khu công nghiệp (KCN) đang là xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực khu công nghiệp. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 9 năm 2023, đã có 28.498 dự án FDI được cấp phép đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 478,8 tỷ USD. Trong đó, có 5.525 dự án khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 125,4 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng vốn đăng ký của các dự án FDI.

Năm 2025 đánh dấu nhiều thay đổi quan trọng trong quy định và thủ tục đầu tư, đòi hỏi nhà đầu tư cần nắm rõ để triển khai dự án hiệu quả.

Những thay đổi quan trọng trong năm 2025

Từ ngày 15/01/2025, theo Luật sửa đổi bổ sung các Luật về Đầu tư, Quy hoạch và Đấu thầu (Luật số 57/2024/QH15), thủ tục đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp tại Việt Nam có những thay đổi quan trọng như sau:

Thủ tục đầu tư đặc biệt (Điều 36a của Luật Đầu tư 2020, được bổ sung bởi khoản 8 Điều 2 của Luật số 57/2024/QH15): 

Nhà đầu tư có thể lựa chọn đăng ký đầu tư theo thủ tục đặc biệt đối với các dự án trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và các khu chức năng khác. Các lĩnh vực áp dụng bao gồm:

  1. Xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế và chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, chip và vật liệu bán dẫn.
  2. Đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên phát triển, sản xuất các sản phẩm thuộc danh mục công nghệ cao được khuyến khích theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các dự án này, nhà đầu tư không cần thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan đến xây dựng, phòng cháy chữa cháy.

Điều chỉnh thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư (khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư 2020, sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 2 của Luật số 57/2024/QH15): 

Mở rộng danh mục các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, bao gồm các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; và dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt.

Sửa đổi, bổ sung một số số thứ tự của Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020, sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 2 của Luật số 57/2024/QH15)

Những thay đổi này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện dự án trong các khu công nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo

II. Quy Trình Đầu Tư Từ A-Z

Theo quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư 2020, dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tại khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư. Như vậy, dự án đầu tư nước ngoài trong khu công nghiệp thuộc diện cần chấp thuận chủ trương đầu tư.

B1: Chuẩn bị hồ sơ đầu tư

Nhà đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu sau: (Khoản 1 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020)

Hồ sơ pháp lý doanh nghiệp:

  1. Giấy phép thành lập doanh nghiệp.
  2. Điều lệ công ty.
  3. Hồ sơ nhân sự chủ chốt.
  4. Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư.

Tài liệu dự án đầu tư:

  1. Đề xuất dự án đầu tư (bao gồm các nội dung như mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin hiện trạng đất đai, tác động xã hội, đánh giá tác động môi trường, v.v.).
  2. Báo cáo nghiên cứu khả thi (nếu có theo quy định pháp luật về xây dựng).
  3. Kế hoạch kinh doanh chi tiết.
  4. Phương án sử dụng đất.
  5. Hợp đồng BCC (nếu dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC).

Giấy tờ về năng lực tài chính:

  • Báo cáo tài chính của nhà đầu tư (ít nhất 02 năm gần nhất) hoặc tài liệu chứng minh năng lực tài chính khác.
  • Cam kết tài trợ tài chính từ công ty mẹ hoặc tổ chức tài chính.
  • Bảo lãnh tài chính từ tổ chức tài chính.
  • Chứng minh nguồn vốn hợp pháp.
  1. Bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu xác nhận quyền sử dụng đất (nếu không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất).
  2. Giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư theo quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ (nếu dự án thuộc diện thẩm định công nghệ).
  3. Các tài liệu khác liên quan đến yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định pháp luật (nếu có).

B2: Nhà đầu tư tìm kiếm khu công nghiệp thích hợp và thỏa thuận với công ty hạ tầng về vị trí, diện tích, dịch vụ tiện ích, giá, phí và phương thức thanh toán (Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

B3: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền (Điều 34 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Điều 39 Luật Đầu tư)

  1. Nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư 
  2. Nếu dự án đầu tư thực hiện trong khu công nghệ cao, nơi đã có Ban Quản lý khu công nghệ cao, nộp hồ sơ tại Ban Quản lý khu công nghệ cao

B4: Thời hạn cấp giấy chứng nhận (Điều 35 Nghị định 31/2021/NĐ-CP)

  1. Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
  2. Dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đã trúng đấu giá, trúng thầu: Nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.
  3. Dự án thuộc trường hợp Ban quản lý khu kinh tế chấp thuận nhà đầu tư: Ban quản lý khu kinh tế quyết định chấp thuận nhà đầu tư đồng thời với cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
  4. Dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Nếu có nhu cầu, nộp văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cùng với bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và bản sao hợp lệ Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có) trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

III. Lưu Ý Quan Trọng

1. Các sai sót thường gặp

Hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ

  1. Việc chuẩn bị hồ sơ đầu tư không đầy đủ hoặc không tuân thủ các quy định pháp lý có thể dẫn đến chậm trễ hoặc từ chối phê duyệt dự án.
  2. Đảm bảo tất cả các giấy tờ cần thiết được chuẩn bị đầy đủ và tuân thủ các yêu cầu pháp lý hiện hành.

Thông tin kê khai không chính xác

  1. Cung cấp thông tin sai lệch hoặc không chính xác có thể gây mất uy tín và ảnh hưởng đến quá trình phê duyệt.
  2. Kiểm tra kỹ lưỡng tất cả các thông tin trước khi nộp hồ sơ và đảm bảo tính chính xác của chúng.

Không tuân thủ thời hạn quy định

  1. Chậm trễ trong việc nộp hồ sơ hoặc không đáp ứng các yêu cầu trong thời gian quy định có thể dẫn đến việc hồ sơ bị hủy bỏ hoặc phải nộp lại từ đầu.
  2. Lập kế hoạch chi tiết và tuân thủ nghiêm ngặt các thời hạn đã đề ra.

2. Một số lưu ý quan trọng

Nghiên cứu kỹ thị trường và ngành nghề kinh doanh

  1. Trước khi đầu tư vào Khu công nghiệp tại Việt Nam, cần nghiên cứu kỹ thị trường và ngành nghề kinh doanh tham gia. 
  2. Điều này giúp các nhà đầu tư xác định được nhu cầu của thị trường, khả năng cạnh tranh của sản phẩm/dịch vụ và tiềm năng phát triển của ngành nghẽ. 
  3. Giúp các nhà đầu tư có thể lựa chọn được khu công nghiệp phù hợp và xác định được chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Lựa chọn khu công nghiệp phù hợp: Một số yếu tố cần lưu ý khi lựa chọn khu công nghiệp gồm:

  1. Vị trí: Khu công nghiệp cần có vị trí thuận lợi để đi lại và vận chuyển hàng hoá.
  2. Hạ tầng: Khu công nghiệp cần có hạ tăng đầy đủ, đảm bảo cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
  3. Chính sách đầu tư: Các khu công nghiệp khác nhau sẽ có các chính sách đầu tư khác nhau. Các nhà đầu tư nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các chính sách này để có thể tận dụng tối đa lợi thế của mình.
  4. Giá thuê đất: Giá thuê đất tại các khu công nghiệp cũng sẽ khác nhau, các nhà đầu tư cần lựa chọn khu công nghiệp có giá thuê đất phù hợp với ngân sách của mình.

Thuê luật sư tư vấn pháp lý

Các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam tương đối phức tạp và khó hiểu đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài nên thuê luật sư tư vấn pháp lý để đảm bảo rằng dự án đầu tư của mình tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Đây là một yếu tố quan trọng giúp các nhà đầu tư nước ngoài đảm bảo an toàn pháp lý cho hoạt động kinh doanh của mình.

3. Tips đẩy nhanh tiến độ

Chuẩn bị hồ sơ song song nhiều thủ tục:

  1. Thực hiện đồng thời các thủ tục cần thiết giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu chậm trễ.
  2. Lập kế hoạch chi tiết và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng bộ phận liên quan.

Theo dõi sát tiến độ xử lý hồ sơ:

  1. Giám sát chặt chẽ quá trình xử lý hồ sơ giúp phát hiện sớm các vấn đề và giải quyết kịp thời.
  2. Sử dụng các công cụ quản lý dự án để theo dõi tiến độ và cập nhật thường xuyên.

Phản hồi nhanh các yêu cầu bổ sung:

  1. Trả lời nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu bổ sung từ cơ quan chức năng giúp đẩy nhanh quá trình phê duyệt.
  2. Chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu và thông tin cần thiết để phản hồi kịp thời

Để được hỗ trợ chi tiết về thủ tục đầu tư nước ngoài trong KCN, vui lòng liên hệ với chúng tôi, Harley Miller Law Firm qua:

  • Hotline: +84 937215585
  • Email: [email protected]
  • Website: luatminhnguyen.com hoặc hmlf.vn

Related Articles