Hỏi:
Hiệp định CPTPP quy định về quy tắc xuất xứ (QTXX) như thế nào?
Trả lời:
– QTXX của CPTPP được áp dụng chung cho tất cả các thành viên và được đánh giá là có nhiều điểm linh hoạt, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp so với nhiều FTA trước đây của Việt Nam (trong đó có AANZFTA). QTXX chủ đạo trong CPTPP là chuyển đổi mã hàng hóa. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp, cho phép áp dụng thêm quy tắc hàm lượng giá trị khu vực, từ 40% – 50% (trong các FTA trước đây, bao gồm cả AANZFTA, tỷ lệ này phổ biến là 40%). Bản thân quy tắc hàm lượng giá trị khu vực cũng có nhiều cách tính khác nhau và trong nhiều trường hợp cho phép lựa chọn cách tính nào phù hợp và có lợi nhất cho doanh nghiệp.
– Một điểm đặc biệt linh hoạt khác của CPTPP là đối với hàm lượng giá trị khu vực cho phép áp dụng hình thức cộng gộp toàn bộ. Theo đó, nguyên liệu chỉ đáp ứng một phần quy tắc xuất xứ (ví dụ không thể đáp ứng tiêu chuẩn chí hàm lượng giá trị khu vực 40% mà chỉ có thể đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực 10%) nhưng giá trị phần có xuất xứ đó vẫn được phép cộng gộp vào công đoạn sản xuất tiếp theo để tính xuất xứ cho thành phẩm. Đa số các FTA trước đây của Việt Nam không cho phép cộng gộp toàn bộ như vậy.
– Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, CPTPP cũng có nhiều điểm linh hoạt trong đó nổi bật là cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, trong CPTPP Việt Nam có bảo lưu về lộ trình thực hiện thủ tục tự chứng nhận xuất xứ riêng, theo đó Việt Nam cam kết sẽ thực hiện song song hình thức chứng nhận xuất xứ cũ và hình thức tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (và có gia hạn thêm 5 năm nữa). Điều này có nghĩa là sau tối đa 10 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam mới có thể hoàn toàn áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.