Hỏi:
Công ty chúng tôi xuất khẩu vào thị trường EU. Chúng tôi có những lô hàng đi trong tháng 7 nhưng muốn xin cấp EUR.1 vào đầu tháng 8 sau khi EVFTA có hiệu lực, vậy chúng tôi có được cấp C/O tại Sở Công Thương nếu như hồ sơ sau thẩm định đạt yêu cầu hay không?
Trả lời:
– Điều 38, Nghị định thư 1 (Quy tắc xuất xứ hàng hoá và hợp tác quản lý hành chính) của Hiệp định EVFTA quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với hàng hoá trong quá trình vận chuyển và lưu kho. Theo đó, hàng hoá ở tại một nước thành viên Hiệp định hoặc đang trong quá trình vận chuyển, lưu kho tạm thời, trong kho ngoại quan hoặc trong khu phi thuế quan vào ngày Hiệp định EVFTA có thể được hưởng ưu đãi thuế quan với điều kiện Chứng từ chứng nhận xuất xứ được phát hành sau (Issued Retrospectively) và nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu.
– Quy định này được nội luật hoá tại Điều 39, Thông tư số 11/2020/TT-BCT. Nếu hàng hoá xuất khẩu của Công ty thuộc trường hợp quy định tại Điều 39, Công ty có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp sau C/O mẫu EUR.1 tại các cơ quan, tổ chức cấp C/O (quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BCT) để được hưởng ưu đãi thuế quan khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Hỏi:
Chúng tôi có 1 số nhà nhập khẩu tại Anh nhưng thực tế thì Anh đã Brexit từ 31/01/2020 vậy form EUR 1 sẽ không áp dụng được đối với những nhà nhập khẩu tại Anh để được hưởng ưu đãi, như vậy có đúng không?
Trả lời:
Đối với hàng hoá xuất khẩu sang Anh: Theo quy định của Thỏa thuận Brexit, các thỏa thuận quốc tế được ký kết bởi EU, các quốc gia thành viên, hoặc đồng ký kết bởi EU và các quốc gia thành viên vẫn được áp dụng cho Anh tới hết giai đoạn chuyển tiếp. Điều này có nghĩa rằng Anh vẫn tiếp tục tham gia Hiệp định EVFTA cho đến hết ngày 31/12/2020. Như vậy, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Anh vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan và cấp C/O mẫu EUR.1 cho đến hết ngày 31/12/2020.
Hỏi:
Theo như được biết thì hàng từ kho Ngoại quan xuất ra nước ngoài sẽ sử dụng C/O giáp lưng 3 bên hoặc cấp Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ, vậy chúng tôi xin được hỏi 2 trường hợp này khác nhau như thế nào? và cả 2 trường hợp đều có thể được hưởng ưu đãi không?
Trả lời:
Để được áp dụng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, đề nghị căn cứ các quy định của Hiệp định để thực hiện. Quy định về xuất xứ hàng hóa được nội luật hóa tại Thông tư số 11/2020/TT-BCT. Đối với Giấy chứng nhận không thay đổi xuất xứ, đề nghị căn cứ theo quy định tại Điều 3 và Điều 19 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của CP để thực hiện. Ngoài ra, cần lưu ý Hiệp định EVFTA là song phương nên k có quy định về C/O giáp lưng. Giấy chứng nhận không thay đổi xuất xứ không phải là CTCNXX hàng hóa nên không có giá trị pháp lý như CTCNXXHH.