spot_img

THỦ TỤC CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI CẤP THẺ TẠM TRÚ TẠI VIỆT NAM

Chắc chắn bạn đã biết rằng thẻ tạm trú là một lựa chọn pháp lý thay thế visa cho người nước ngoài khi đến Việt Nam. Theo pháp luật, người được cấp thẻ tạm trú có quyền lưu trú tại Việt Nam trong một thời gian nhất định mà không cần phải mất thời gian xin gia hạn visa.

Thêm vào đó, thẻ tạm trú cũng cho phép cho người nước ngoài nhập cảnh và xuất cảnh Việt Nam nhiều lần trong khoảng thời gian có hiệu lực của thẻ mà không cần phải làm các thủ tục phức tạp và tốn kém để xin visa. Điều này giúp tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho sự giao lưu văn hóa, kinh doanh và hợp tác quốc tế.

Tóm lại, từ một góc độ pháp lý, thẻ tạm trú là một công cụ quan trọng giúp tăng cường sự linh hoạt và tiện lợi cho người nước ngoài khi muốn lưu trú tại Việt Nam.

Định Nghĩa Thẻ Tạm Trú

Điều 3 của Luật số 47/2014/QH13 về Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 định nghĩa rất rõ về thẻ tạm trú (Vietnam temporary residence card). Theo đó, “Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và thẻ tạm trú có giá trị thay thế thị thực (visa)”.

 Các Trường Hợp Được Cấp Thẻ Tạm Trú

Theo quy định tại Điều 36 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, được sửa đổi bởi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019

– Trường hợp 1: Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ. Thẻ tạm trú trong trường hợp này có ký hiệu là NG3.

– Trường hợp 2: Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.

Điều Kiện Chung Để Được Cấp Thẻ Tạm Trú

Theo khoản 1 Điều 37 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 và thông tư 31/2015/TT-BCA hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại việt nam thì để được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam, người nước ngoài thuộc nhóm đối tượng nêu trên phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Có hộ chiếu còn hạn sử dụng
  • Người nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường hoặc đăng ký trực tuyến theo đúng quy định.

Những đối tượng người nước ngoài dưới đây sẽ không đủ điều kiện để được cấp thẻ tạm trú ở Việt Nam:

  • Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang là bị đơn trong các vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động;
  • Đang có nghĩa vụ thi hành bản án hình sự;
  • Đang có nghĩa vụ thi hành bản án dân sự, kinh tế;
  • Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính.

Thời Hạn Thẻ Tạm Trú

Theo quy định tại Điều 38 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014, được sửa đổi bởi khoản 16 Điều 1 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019.

  1. Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm.
  2. Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2 và DH có thời hạn không quá 05 năm.
  3. Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, ĐT3, TT có thời hạn không quá 03 năm.
  4. Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ1, LĐ2 và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.
  5. Thẻ tạm trú hết hạn được xem xét cấp thẻ mới.

Như vậy, tùy vào loại thẻ đăng ký tạm trú mà thời hạn sử dụng sẽ khác nhau. Thẻ tạm trú có thời hạn sử dụng lâu nhất là không quá 10 năm và thẻ tạm trú có thời hạn sử dụng ngắn nhất là không quá 02 năm.

Hồ Sơ Xin Cấp Thẻ Tạm Trú Cho Người Nước Ngoài

Theo khoản 1 Điều 37 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 31/2015/TT-BCA thì hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú bao gồm:

Về thẻ tạm trú cho người nước ngoài có giấy phép lao động hoặc giấy miễn giấy phép lao động tại Việt Nam.

Bộ hồ sơ trong trường hợp này bao gồm các giấy tờ sau:

  • Bản sao công chứng Giấy phép ĐKKD, hoặc Giấy phép đầu tư, hoặc Giấy phép hoạt động của VPĐD, chi nhánh, … tùy theo loại hình doanh nghiệp;
  • Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu hoặc là Văn bản thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
  • Bản sao công chứng Giấy phép lao động hoặc Giấy miễn giấy phép lao động của người lao động nước ngoài còn thời hạn ít nhất 12 tháng.
  • Đăng ký mẫu dấu và chữ ký lần đầu tại Cơ quan XNC (Mẫu NA16)
  • Công văn và đơn xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA6)
  • Tờ khai đề nghị xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA8)
  • Giấy giới thiệu cho nhân viên người Việt Nam đi làm thủ tục xin cấp thẻ tạm trú tại Cơ quan xuất nhập cảnh.
  • Bản gốc Hộ chiếu
  • Giấy xác nhận đăng ký tạm trú hoặc sổ đăng ký tạm trú của người nước ngoài đã công an phường, xã nơi người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam xác nhận (nếu có)
  •  02 ảnh 2cmx3cm

Về thẻ tạm trú cho người nước ngoài là vợ/chồng, bố/mẹ hoặc con của công dân Việt Nam:

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

  • Giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân nhân được quy định cụ thể tại Điều 6 Thông tư 62/2021/NĐ-CP, có thể được xác định thông qua: Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (đối với vợ/chồng); Giấy khai sinh (đối với con) hoặc các giấy tờ khác chứng minh có bố hoặc mẹ hiện tại đang công dân Việt Nam,…
  • Đơn xin bảo lãnh và cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA7)
  • Tờ khai đề nghị xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA8)
  • Bản gốc Hộ chiếu (hộ chiếu còn hạn ít nhất 13 tháng)
  • Bản sao công chứng CCCD của vợ/chồng hoặc ba/mẹ
  • 02 ảnh 2cmx3cm

Về thẻ tạm trú cho thân nhân người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam

Hồ sơ bao gồm:

  • Giấy chứng nhận hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức nơi người nước ngoài bảo lãnh cho thân nhân của mình đang làm việc
  • Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu của doanh nghiệp, tổ chức nơi người nước ngoài bảo lãnh cho thân nhân của mình đang làm việc;
  • Hộ chiếu và thẻ tạm trú của người bảo lãnh (Trong trường hợp đã được cấp thẻ tạm trú)
  • Đăng ký mẫu dấu và chữ ký lần đầu tại Cơ quan XNC (Mẫu NA16)
  • Công văn và đơn xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA6)
  • Tờ khai đề nghị xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA8)
  • Giấy giới thiệu cho nhân viên người Việt Nam đi làm thủ tục xin cấp thẻ tạm trú tại Cơ quan xuất nhập cảnh.
  • Bản gốc Hộ chiếu của người xin cấp thẻ tạm trú (hộ chiếu còn hạn ít nhất 13 tháng);
  • Giấy xác nhận đăng ký tạm trú hoặc sổ đăng ký tạm trú của người nước ngoài đã được xác nhận bởi công an phường, xã nơi người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam.
  • 02 ảnh 2cmx3cm
  • Giấy chứng nhận quan hệ gia đình hoặc giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc giấy khai sinh (đối với trẻ em do bố mẹ bảo lãnh)


Về việc xin cấp thẻ tạm trú cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:

Hồ sơ cần chuẩn bị trong trường hợp này bao gồm:

  • Bản sao công chứng Giấy ĐKKD, Giấy phép đầu tư trong đó thể hiện chi tiết và rõ ràng phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.
  • Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu hoặc là Văn bản thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
  • Đăng ký mẫu dấu và chữ ký lần đầu tại Cơ quan XNC (Mẫu NA16)
  • Công văn và đơn xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA6)
  • Tờ khai đề nghị xin cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài (Mẫu NA8)
  • Giấy giới thiệu cho nhân viên người Việt Nam đi làm thủ tục xin cấp thẻ tạm trú tại Cơ quan xuất nhập cảnh.
  • Bản gốc Hộ chiếu (hộ chiếu còn hạn ít nhất 13 tháng);
  • Giấy xác nhận đăng ký tạm trú hoặc sổ đăng ký tạm trú của người nước ngoài đã được xác nhận bởi công an phường, xã nơi người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam;
  • 02 ảnh 2cmx3cm.

Lưu ý: Các mẫu NA16, NA6, NA7, NA8 được ban hành kèm theo Thông tư số 04 /2015/TT-BCA ngày 05 tháng 01 năm 2015

Thủ Tục Cấp Thẻ Tạm Trú Cho Người Nước Ngoài

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Trước tiên, bạn xác định bộ hồ sơ tương ứng cần chuẩn bị và đáp ứng thời hạn yêu cầu của các giấy tờ.

Lưu ý: Đối với các giấy tờ được cấp ở nước ngoài cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch thuật.

Bước 2. Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ theo yêu cầu, bạn mang hồ sơ lên nộp tại Văn phòng Cục quản lý xuất nhập cảnh. Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến thì hộ chiếu phải gửi qua dịch vụ bưu chính công ích về cơ quan tiếp nhận; thành phần hồ sơ khác phải được chứng thực điện tử theo quy định, trường hợp chưa được chứng thực điện tử thì gửi hồ sơ về cơ quan tiếp nhận thông qua dịch vụ bưu chính công ích. Trường hợp chưa cấp thẻ tạm trú thì trả lời bằng văn bản hoặc thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Công dịch vụ công Bộ Công an và nêu rõ lý do.

Sau khi kiểm tra hồ sơ cục quản lý xuất nhập cảnh gửi giấy biên nhận cho người đến nộp hồ sơ (Mẫu NB7).

Bước 3. Nhận kết quả

Thời gian trả kết quả: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thẻ tạm trừ ngày tết, ngày lễ và thứ 7, chủ nhật.

Vào ngày hẹn theo giấy hẹn, bạn mang giấy biên nhận, CCCD hoặc hộ chiếu để trình lên cán bộ trả kết quả kiểm tra, đối chiếu

Nếu có kết quả cấp thẻ tạm trú, bạn sẽ nộp lệ phí, sau đó ký nhận và nhận kết quả (kể cả có được cấp thẻ tạm trú hay không).

PHẦN KẾT LUẬN

Qua bài viết trên, chúng ta thấy rằng thẻ tạm trú tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn lưu trú và làm việc, bảo lãnh người thân sang ở cùng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thẻ tạm trú giúp giảm bớt thủ tục phức tạp và tiết kiệm thời gian cho việc xin visa. Tuy nhiên, việc cấp thẻ tạm trú không chỉ đơn thuần là việc nộp hồ sơ và nhận kết quả mà còn đòi hỏi sự đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thực hiện đúng các quy định pháp luật.

thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam

HMLF luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn từ việc xác định điều kiện đến chuẩn bị hồ sơ, thực hiện việc nộp và giải trình tại cơ quan chức năng.

Related Articles