spot_img

Tranh chấp ly hôn có yếu tố nước ngoài

— QUYỀN NUÔI CON VÀ CẤP DƯỠNG —

Con cái là tài sản quý giá nhất của mỗi người, vì vậy theo lẽ thường khi ly hôn cha hoặc mẹ ai cũng muốn được trực tiếp chăm sóc, giáo dục, định hướng cho các con. Tranh chấp quyền nuôi con và cấp dưỡng khi ly hôn là tranh chấp giữa hai vợ chồng về việc ai sẽ được quyền trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con và khoản cấp dưỡng là bao nhiêu khi ly hôn khi mà cả cha và mẹ đều muốn giành quyền nuôi các con.

Trong trường hợp vợ chồng không thoả thuận được về việc con nào sẽ ở với ai thì việc Tòa án sẽ xem xét và giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng sẽ phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để xét xử; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con. Khi đó, các bên cần cung cấp cho Tòa các chứng cứ chứng minh điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng con.

a. Các chứng cứ chứng minh điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng con

Pháp luật Hôn nhân và gia đình chỉ có các quy định chung mang tính nguyên tắc để Tòa án xem xét áp dụng. Từ thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp giành quyền nuôi con, HMLF có thể tổng hợp các điều kiện mà người muốn giành quyền nuôi con khi ly hôn cần cung cấp các bằng chứng chứng minh như sau: 

  • Điều kiện về thu nhập của người nuôi dưỡng: Như tài liệu chứng minh thu nhập của người nuôi dưỡng có đảm bảo nhu cầu của con nếu nhận nuôi con, chẳng hạn như bảng lương, …
  • Điều kiện về chỗ ở của người nuôi dưỡng: Nhằm đảm bảo cuộc sống của các con được bình thường, ổn định như Giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đứng tên mình, hợp đồng thuê nhà, thuê căn hộ, …. 
  • Điều kiện về thời gian chăm sóc các con của người nuôi dưỡng: Như người nuôi dưỡng hiện làm công việc gì, tính chất và đặc thù của công việc có ảnh hưởng đến thời gian chăm sóc các con không?
  • Điều kiện về tính cách, đạo đức của người nuôi dưỡng: Nhằm đảm bảo sự phát triển tâm sinh lý bình thường của các con. Thực tế Tòa án không giao con cho một người mà trước đó đã có hành vi bạo hành thể chất, tinh thần các con.
  • Điều kiện liên quan đến việc học tập của các con: Nhằm đảm bảo môi trường học tập ổn định của các con.
  • Ý kiến của con trên 07 tuổi về mong muốn sẽ được ở với ai.
  • b. Giải quyết tranh chấp về nuôi con dưới 36 tháng tuổi
  • Ngoài ra, mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có quy định cụ thể nhưng thực tiễn giải quyết tranh chấp về nuôi con dưới 36 tháng tuổi tại các Tòa án hiện nay vẫn còn khác nhau.
  • Theo quy định của pháp luật, khi ly hôn vợ, chồng có quyền thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, khi giải quyết ly hôn, Toà án giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ hoặc người cha trực tiếp nuôi trong hai trường hợp sau:
  • Trường hợp giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp nuôi:
  • Tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: “Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”.
  • Theo Pháp luật hôn nhân gia đình, khi giải quyết vụ án hôn nhân có tranh chấp về việc nuôi con thì Toà án xem xét giải quyết giao cho người chồng hoặc người vợ trực tiếp nuôi con trên cơ sở có xem xét đến điều kiện về kinh tế, điều kiện chăm sóc, ăn, ở, học hành…, của con sao cho đảm quyền lợi mọi mặt cho con. Tuy nhiên, đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi, thường quyết định của tòa là giao cho người mẹ trực tiếp nuôi mà ít xem xét đến các điều kiện theo quy định vì theo suy nghĩ của số đông  thì giai đoạn con dưới 36 tháng tuổi rất cần sự chăm sóc chu đáo của người mẹ.
  • Vậy trong Trường hợp nào thì giao con dưới 36 tháng tuổi cho người cha trực tiếp nuôi:
  • Đầu tiên xét đến thỏa thuận và sự đồng ý của người mẹ giao con cho người cha chăm sóc con. Tuy nhiên, vấn đề đồng thuận ít khi xảy ra trên thực tế, nên trong trường hợp người cha vẫn cương quyết giành quyền chăm sóc con thì cần lưu ý và chứng minh về về việc người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con, và hiện tại không có hướng dẫn cụ thể  nào của tòa để xét các điều kiện này, do đó, người cha nên dựa vào các yếu tố sau: Công việc hiện tại của người mẹ có ổn định không, thu nhập hàng tháng của người mẹ ngoài nhu cầu chi tiêu của mẹ, còn lại có đảm bảo nuôi con không, chỗ ở hiện nay của người mẹ như thế nào: ở nhà riêng hay ở nhờ nhà người thân hay ở nhà trọ, nhà thuê; thời gian làm việc của người mẹ như thế nào có đảm bảo thời gian để chăm sóc con không; người mẹ có ngược đãi, bạo hành con hay không và một số điều kiện khác nếu Toà án thấy rằng cần thiết khi xem xét, đánh giá vấn đề này. 
  • Và như đã phân tích ở trên, do pháp luật không có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể thế nào là “người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” nên quyết định giải quyết nuôi con của Toà án trong các trường hợp này thường tùy thuộc  quan điểm của thẩm phán và hội đồng xét xử trên cơ sở chứng cứ chứng minh. Vì vậy, cần phải chuẩn bị thật tốt các chứng cứ đủ để thuyết phục Hội đồng xét xử mình là người phù hợp nhất và đảm bảo cho sự phát triển toàn diện của đứa trẻ.
  • 2. Cấp dưỡng:
  • Người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng để san sẻ một phần gánh nặng về tiền bạc đối với người nuôi con. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 110 LHNGĐ 2014 : “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
  • Căn cứ theo quy định tại Điều 129 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; nghĩa vụ cấp dưỡng có yếu tố nước ngoài tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Nếu một người trực tiếp nuôi con và là người có yêu cầu cấp dưỡng cho con sau ly hôn đang ở nước ngoài; thì việc cấp dưỡng sẽ được thực hiện theo pháp luật của nước nơi họ đang cư trú. Nếu cư trú tại Việt Nam thì tuân theo pháp luật Việt Nam; còn không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của nước nơi người đó là công dân để giải quyết vấn đề cấp dưỡng này.
  • a. Mức cấp dưỡng
  • Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định mức cấp dưỡng có thể được thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó. Tức là người không trực tiếp nuôi con có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng với con hoặc với người đang trực tiếp nuôi con. Mức cấp dưỡng được xác định căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Và mức cấp dưỡng này cũng có thể thay đổi do thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • Bên cạnh đó, hiện nay, pháp luật không có quy định giới hạn mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà hoàn toàn dựa vào thỏa thuận của các bên hoặc dựa vào thu nhập, điều kiện, nhu cầu của các bên.
  • Thực tiễn xét xử về xác định thu nhập cấp dưỡng: Theo quy định thì khi tòa án quyết định mức cấp dưỡng sẽ phải ăn cứ vào “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”. Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng”  và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng” theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, nghiên cứu một số văn bản hướng dẫn trước đây có thể chỉ ra như sau:
  • Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (đã hết hiệu lực). Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP, “khả năng thực tế của người có nghĩa cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”.
  • “Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng”, khoản 2 Điều 16 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP quy định: căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng”. Mức sinh hoạt bao gồm các chi phí thông thường cần thiết của người được cấp dưỡng như: chi phí cho việc ăn uống hàng ngày, chi phí về chỗ ở hoặc nơi ở đang ở thuê hay đã có nhà riêng, chi phí về quần áo, chi phí cho việc học hành (bao gồm các khoản học ở trường, học thêm và phục vụ kỹ năng khác), chi phí về khám chữa bệnh và các chi phí khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng. Hoàn cảnh sống của người được cấp dưỡng cũng là yếu tố quyết định về mức cấp dưỡng.
  • Thực tế nhu cầu này ở cùng địa phương, cùng lứa tuổi thì mỗi cháu, mỗi gia đình cũng có hoàn cảnh, mức sống khác nhau. Có trường hợp, thu nhập của người cấp dưỡng không bảo đảm để cấp dưỡng ở mức trung bình. Đây cũng là điều khó khăn không chỉ đối với các bên tranh chấp mà cả đối với Luật sư tư vấn và tòa án.
  • Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, khi quyết định việc cấp dưỡng nuôi con, Toà án thường ấn định mức cấp dưỡng dao động từ 20-30% mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trong trường hợp không xác định được mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng thì lương tối thiểu vùng sẽ là căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc.
  • Thực tế, thu nhập thực tế của các cặp vợ chồng không giống nhau và đôi khi không thể xác định chính xác nếu các bên không hợp tác hoặc cố tình che giấu. Đặc biệt đối với những người kinh doanh, người làm nghề tự do hoặc người không có nghề nghiệp ổn định do chúng ta chưa thực sự có cơ chế kiểm soát tối đa tiền mặt cũng như quản lý thu nhập thông qua tài khoản.
  • Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà có thu nhập ổn định, mà không thoả thuận được mức cấp dưỡng, thì có thể tham khảo Án lệ số 62/2023/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đó là: “Toà án căn cứ vào thu nhập ổn định của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và chi phí trung bình để chăm sóc, nuôi dưỡng một đứa trẻ theo xác minh tại địa phương làm cơ sở giải quyết vụ án”.
  • b. Phương thức cấp dưỡng
  • Theo Điều 117 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định, việc cấp dưỡng có thể thực hiện hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên cũng có thể thỏa thuận về phương thức cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
  • c. Xử phạt người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng
  • Điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định, người không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án sẽ bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng. Theo đó, nếu việc cấp dưỡng đã được quy định cụ thể tại bản án, quyết định ly hôn mà chồng hoặc vợ không thực hiện thì có thể bị phạt từ 03-05 triệu đồng.
  • Đồng thời, theo khoản 37 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017, nếu từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng khiến con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì có thể bị phạt đến 02 năm tù.

Trên đây là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng có yếu tố nước ngoài, HMLF hy vọng những chia sẻ này có thể phần nào giúp mọi người hiểu và trang bị cho mình những kiến thức liên quan tài sản hình thành trước và sau khi kết hôn, cụ thể là nhà đất, là những tài sản có giá trị rất lớn.

Đội ngũ chuyên gia và nhân viên của Harley Miller luôn phấn đấu cung cấp các giải pháp tối ưu để mang lại sự hài lòng cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ pháp lý.

Công ty luật TNHH Harley Miller “HMLF”

Trụ sở: 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 05, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Số điện thoại: 0937215585

Website: hmlf.vn Email: miller@hmlf.vn

Related Articles