spot_img

Tranh chấp ly hôn có yếu tố nước ngoài 

— CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG–

Tranh chấp ly hôn có thể là một quá trình phức tạp, và nhất là khi quá trình đó liên quan đến người nước ngoài, thêm vào đó là những khía cạnh pháp lý và văn hóa khác nhau, sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro cho người nước ngoài. Tranh chấp ly hôn có yếu tố nước ngoài thường liên quan đến hai vấn đề chủ yếu là yêu cầu chia tài sản chung và yêu cầu về quyền trực tiếp nuôi con. Trong bài viết này, HMLF sẽ tập trung phân tích các rủi ro thường gặp trong các tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng và hướng giải quyết để người nước ngoài có thể yên tâm phần nào trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bất kể là khi thực hiện kết hôn hay ly hôn với vợ/ chồng là người Việt Nam tại Việt Nam.

a. Đối với tài sản là quyền sử dụng đất:

Theo quy định của Pháp luật Việt Nam, tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013 và khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở 2014, người nước ngoài không được đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Nhưng người nước ngoài được đứng tên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thuộc căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chính là căn cứ duy nhất để xác định quyền sở hữu đối với thửa đất đã mua của hai vợ chồng để Tòa án quyết định tài sản chung hay riêng trong tranh chấp ly hôn đối với yêu cầu chia tài sản. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, pháp luật Việt Nam không cho phép người nước ngoài đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Vậy thì, người nước ngoài cần phải làm gì đây để chứng minh rằng mình đã góp một phần tiền để mua thửa đất đó và đó là tài sản chung cần được chia khi ly hôn?

Một là, nếu góp tiền mua đất bằng phương thức chuyển khoản, người nước ngoài nên chuyển tiền từ tài khoản cá nhân của mình cho vợ/ chồng kèm nội dung chuyển khoản, chẳng hạn: “Chuyển tiền mua thửa đất số 1, tờ bản đồ số 1, diện tích  200m2” và lưu giữ các tin nhắn trao đổi chi tiết về việc chuyển tiền mua thửa đất này trên tin nhắn SMS hoặc hộp thư thoại trên các nền tảng mạng xã hội khác.

Trong trường hợp, người nước ngoài tự nộp tiền vào tài khoản cá nhân tại Ngân hàng và ủy quyền có thời hạn cho vợ/ chồng được rút tiền từ tài khoản cá nhân này của mình với mục đích nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc ủy quyền này nên được lập thành văn bản và được công chứng, chứng thực (Công chứng tại Các văn phòng công chứng và chứng thực tại UBND các cấp).

Hai là, nếu góp tiền mua đất bằng tiền mặt, người nước ngoài nên viết giấy biên nhận tiền và yêu cầu vợ/ chồng xác nhận số tiền đã nhận cùng với ký tên vào giấy. Pháp luật Việt Nam không quy định việc giao nhận tiền phải công chứng, chứng thực nên giấy biên nhận tiền viết tay vẫn có giá trị pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện về hiệu lực giao dịch dân sự quy định tại Bộ luật dân sự 2015. 

b. Đối với tài sản là ngôi nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất 

Theo mục a. nêu trên, trừ nhà ở thuộc căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở là người nước ngoài được đứng tên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, thì khi góp tiền xây dựng nhà, người nước ngoài nên lưu ý những vấn đề sau:

  • Thiết kế (nếu có), thi công xây dựng nhà ở: nên lập Hợp đồng bằng văn bản và cả hai vợ chồng cùng ký tên vào. Mục đích của việc này là để bên thi công có thể làm chứng cho việc có đóng góp vào việc xây dựng ngôi nhà.
  • Chi trả các khoản chi phí xây dựng, mua vật liệu và các vật dụng có giá trị khác trong nhà: nên lưu giữ các hóa đơn, chứng từ là người trực tiếp/ gián tiếp chi trả, mua sắm những tài sản này.

Trên đây là kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng có yếu tố nước ngoài, HMLF hy vọng những chia sẻ này có thể phần nào giúp mọi người hiểu và trang bị cho mình những kiến thức liên quan tài sản hình thành trước và sau khi kết hôn, cụ thể là nhà đất, là những tài sản có giá trị rất lớn.

Đội ngũ chuyên gia và nhân viên của Harley Miller luôn phấn đấu cung cấp các giải pháp tối ưu để mang lại sự hài lòng cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ pháp lý.

Công ty luật TNHH Harley Miller “HMLF”

Trụ sở: 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 05, Quận 3, TP Hồ Chí Minh.

Số điện thoại: 0937215585

Website: hmlf.vn Email: miller@hmlf.vn

Related Articles