Hỏi: Công ty chúng tôi thực hiện 1 quy chế là nếu là hợp đồng khoán gọn trên 3 tháng thì chúng tôi buộc người lao động đóng 32,5% tiền bảo Hiểm xã hội cho công ty, để công ty nộp lại BHXH. Như vậy cho chúng tôi hỏi, hợp đồng khoán gọn trên 3 tháng có cần đóng BHXH không, và chúng tôi bắt người lao động chịu hết 32,5% bảo hiểm có đúng luật không?
Ví dụ anh Nguyễn Văn A ký hợp đồng vẽ bản vẻ kỹ thuật cho chúng tôi hạn vẽ hoàn thành công việc là trong 6 tháng bắt đầu từ ngày ký hợp đồng. Như vậy Anh A phải trích BHXH cho công ty 32,5% công ty mang nộp lại cho BHXH 32,5% trên tổng tiền lương.
Trả lời:
-Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) số 58/2014/QH13 thì tỷ lệ đóng BHXH là 26%. Trong đó người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng 18% (trong đó 3% vào quỹ ốm đau – thai sản; 1% vào quỹ TNLĐ-BNN; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất).
-Theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) thì tỷ lệ đóng BHYT là 4,5% (trong đó người lao động đóng 1,5%, người sử dụng lao động đóng 3%).
-Theo quy định của Luật Việc làm thì tỷ lệ đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 2% (trong đó người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% tiền lương tháng), ngoài ra ngân sách nhà nước trung ương hỗ trợ tối đa không quá 1% tiền lương tháng đóng BHTN.
-Căn cứ các văn bản hướng dẫn dưới Luật; Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của BHXH Việt Nam về việc ban hành quy định về quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
=> Đối chiếu các quy định trên, trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp từ 3 tháng thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc, tổng tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2016 theo văn bản quy định hiện hành là 32,5%, trong đó đơn vị sử dụng lao động đóng 22%, người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng. Việc thỏa thuận người lao động tự đóng BHXH, BHYT, BHTN là trái với quy định của pháp luật.
Hỏi: Tôi có tham gia buổi đối thoại với doanh nghiệp của BHXH gần đây, sau khi BHXH trả lời những câu hỏi của các công ty tại buổi đối thoại, Tôi có vài câu hỏi như sau:
1. BHXH có nói là người lao động được đăng ký BHYT theo hình thức gia hạn tại công ty mới để tiếp tục tham gia BHYT tại BV đang tham gia. Tôi có 1 trường hợp như sau:
Nhân viên nghỉ việc tại công ty cũ vào cuối tháng 7 (có tham gia BH tháng 7) và bắt đầu làm việc tại công ty tôi từ tháng 8 và cũng bắt đầu tham gia bảo hiểm từ tháng 8, tuy nhiên do vài vấn đề đến cuối tháng 9 tôi mới làm báo cáo tăng cho người lao động này (vẫn báo tăng từ tháng 8), vậy nhân viên này có được đăng ký tiếp tục tại bệnh viện A theo hình thức gia hạn không (BV A là bv đang tham gia BHYT tai công ty cũ và hiện tại BV A không nằm trong danh sách cho phép cấp thẻ BHYT mới). Nếu được tham gia theo hình thức gia hạn thì công ty có phải nộp thêm giấy tờ hồ sơ nào hoặc ghi chú gì để BHXH biết người này là gia hạn tại BV cũ mặc dù BV không có trong danh sách cấp mới hay không?
2. BHXH có giải thích về người tham gia BHYT 5 năm liên tục là người tham gia BHYT 5 năm với thời gian gián đoạn không quá 3 tháng. Tôi muốn hỏi gián đoạn không quá 3 tháng là tổng thời gian trong 5 năm không được quá 3 tháng hay mỗi lần gián đoạn không được quá 3 tháng. VD: Ông A tham gia BHYT 3 năm, sau đó ông nghỉ việc, ngưng đóng BHYT 2 tháng khi thử việc ở công ty mới và đóng tiếp 1 năm thì lại chuyển công ty, thời gian gián đoan là 2 tháng rồi lại tiếp tục đóng. Nếu ông vẫn tiếp tục đóng và sau hơn 1 năm nữa thì thẻ BHYT của ông đã được tính là 5 năm liên tục chưa?
3. BHYT tự nguyện tham gia theo hộ gia đình sẽ được giảm phí cho những người tham gia tiếp theo: gia đình có 4 người, 2 con và mẹ đang tham gia BHYT do công ty mua, khi làm hồ sơ đăng ký BHYT tự nguyện cho người cha thì phường nơi đăng ký mua BHYT nói là phí mua BHYT của người cha không được giảm do mỗi người trong gia đình mua BHYT ở các Bệnh viện khác nhau, nếu muốn hưởng mức giảm phí BHYT như luật quy định thì các cá nhân trong gia đình phải tham gia BHYT tại cùng 1 BV, Phường trả lời như vậy có đúng không?
Trả lời:
1. Trường hợp người lao động tham gia BHYT liên tục hoặc có gián đoạn nhưng không quá 03 tháng thì vẫn được tiếp tục đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh đã đăng ký trước đó. Khi lập hồ sơ báo tăng lao động tại đơn vị mới phải ghi chú vào danh sách tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS) nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu đã tham gia để tiếp tục.
2. Với trường hợp ông A, nếu thời gian tham gia BHYT có gián đoạn nhưng không quá 03 tháng thì được cộng dồn để tính thời gian tham gia BHYT liên tục, nếu đủ 5 năm thì được hưởng quyền lợi BHYT 5 năm liên tục theo quy định của Luật BHYT sửa đổi bổ sung.
3. Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình thì những người tham gia đóng với mức phí như sau:
- Người thứ nhất: đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở;
- Người thứ 2: đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ 3: đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ 4: đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất;
- Người thứ 5 trở đi: đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Như vậy, trong trường hợp gia đình bạn có 4 người, trong đó có 3 người tham gia BHYT diện bắt buộc, người còn lại chưa tham gia nay muốn tham gia BHYT hộ gia đình thì được tính là người thứ nhất và không được giảm phí.
Hỏi: Tôi có tham gia bhxh nơi đăng ký khám bệnh là BV Quận 12. Vừa qua vào tháng 8/2016 tôi bị có triệu chứng nhìn máy tính, điện thoại hay tiếp xúc với ánh sáng mà mắt mỏi, đau đầu chóng mặt. Tôi có xin công ty nghỉ để đi khám tại Khoa nội thần kinh bệnh viện chợ rẫy. Bác sĩ kết luận bị đau đầu Arnold và mỏi điều tiết. Tôi nghĩ tôi cần nghỉ ngơi để mắt hoạt động bình thường vì với nghề kế toán của mình việc nhìn máy tính không được và đau đầu chóng mặt tôi không thể làm việc được với triệu chứng này. Bác sĩ khám cho tôi nói qua hỏi trợ lý phòng khám coi có cho nghỉ không, tôi qua hỏi trợ lý thì trợ lý nói bệnh viện chợ rẫy không cho giấy nghỉ với lý do trường hợp đi khám của tôi không có giấy chuyển viện mà tôi tự tới bệnh viện chợ rẫy khám nên không được xin giấy nghỉ hưởng BHXH. Xin hỏi bệnh viện chợ rẫy không cho tôi giấy nghỉ vì tôi không khám đúng tuyến có đúng không? Bệnh viện chợ rẫy còn cho tôi xem công văn với nội dung nghỉ đi khám bệnh thì không được xin giấy nghỉ, nhưng tôi có bệnh, bệnh của tôi cần được nghỉ ngơi thì sao không cho tôi giấy nghỉ. Các bệnh viện khác khi bệnh nhân khám cần được nghỉ điều trị ngoại trú đi khám không đúng tuyến vẫn cho giấy nghỉ.
Trả lời:
-Trường hợp người lao động khi đi khám bệnh khác tuyến BHYT vẫn được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
-Về việc bệnh viện Chợ Rẫy từ chối cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, cơ quan BHXH đã liên hệ với Bệnh viện và được trả lời là đối với những trường hợp khi người lao động đi khám bệnh nếu vẫn đủ sức khỏe để làm việc thì bác sỹ khám sẽ không cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH cho ngày đi khám bệnh đó.
-Để được giải thích rõ, đề nghị Bà liên hệ với Phòng Kế hoạch – Tổng hợp, Bệnh viện Chợ rẫy.