spot_img

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Hỏi: Chị H ký hợp đồng lao động thời hạn 03 tháng với Công ty may mặc F. Sau khi làm việc được 01 tuần, do thấy công việc không như mong muốn chị H đã nộp đơn xin nghỉ việc, 03 ngày làm việc sau khi nộp đơn, chị H nghỉ việc. Chị H yêu cầu công ty trả lương cho những ngày làm việc và trả lại những giấy tờ cá nhân chị đã nộp cho công ty khi ký hợp đồng nhưng Công ty F đã từ chối đề nghị của chị với lý do chị H tự ý nghỉ việc không được sự đồng ý của công ty. Xin hỏi, việc công ty F từ chối yêu cầu của chị H với lý do như vậy có đúng pháp luật?

Trả lời:

Điểm c khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021  quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Chị H đã nộp đơn xin nghỉ việc cho công ty trước 03 ngày làm việc mới chính thức nghỉ việc. Do vậy, việc chấm dứt hợp đồng lao động của chị H là đúng pháp luật. Điều 48 Bộ luật Lao động quy định:

“1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:

a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;

c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.

2. Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.”

Theo đó việc Công ty F không trả lương và không trả lại hồ sơ cho chị H là trái với quy định của pháp luật. Chị H có thể gửi đơn yêu cầu giải quyết đến Phòng lao động thương binh và xã hội để yêu cầu cử hòa giải viên hòa giải, nếu không hài lòng với quyết định hòa giải thì chị H có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở để yêu cầu giải quyết buộc Công ty phải trả lại hồ sơ cho chị.

Hỏi: Anh D có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với một công ty nước ngoài. Anh đã làm việc tại công ty này được 02 năm. Nay anh D muốn chấm dứt hợp đồng lao động có được không và nếu được anh D có phải đền bù gì cho công ty không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản a Điều 45 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất cứ lúc nào không cần lí do và phải thông báo trước cho người sử dụng lao động trước 45 ngày.

Như vậy anh D hoàn toàn có thể chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho công ty D trước 45 ngày. Nếu anh D vi phạm về thời hạn báo trước thì không được hưởng trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho công ty nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Lao động năm 2019. Ngoài ra, nếu trong khoảng thời gian trước đó anh D được công ty chi trả các chi phí đào tạo thì bạn phải hoàn trả lại các chi phí đó khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Hỏi: Chị B làm việc tại Công ty X theo hợp đồng với thời hạn 6 tháng. Theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, công ty sẽ trả lương cho chị B vào ngày 01 dương lịch hàng tháng. Tuy nhiên tiền lương hàng tháng của công ty luôn trả trễ hơn so với quy định trong hợp đồng. Chị B đã làm việc được 3 tháng. Chị quyết định nộp đơn xin nghỉ việc và không làm việc tại công ty ngay sau khi nộp đơn. Việc chị B chấm dứt hợp đồng như vậy có đúng pháp luật không? Chị B có được hưởng trợ cấp thôi việc không?

Trả lời:

Khoản 2, Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực ngày 01/01/2021, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không phải báo trước cho người sử dụng lao động nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.

Trong tình huống này, công ty X thường xuyên trả lương không đúng thời hạn, do vậy chị B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho công ty X.

Do chị B làm việc cho công ty mới được 03 tháng (chưa đủ 12 tháng) nên chị B không được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019.

Theo Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ những trường hợp có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Các khoản tiền được đề cập có thể bao gồm: các khoản nợ lương, thanh toán tiền những ngày nghỉ theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.

Công ty X còn có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu công ty X đã giữ của chị B. Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc chị B nếu chị B có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do chị B trả.

Hỏi: Anh H được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty may mặc X theo hợp đồng lao động thời hạn 36 tháng. Theo thỏa thuận trong hợp đồng, anh H được tuyển dụng vào vị trí kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS). Tuy nhiên, đã 03 tháng kể từ khi vào công ty làm việc, anh lại phải làm công việc của công nhân bốc dỡ hàng hóa. Anh đã nhiều lần kiến nghị với Giám đốc công ty bố trí công việc theo đúng hợp đồng nhưng không được giải quyết cũng không được giải thích lý do. Anh H đã nghỉ việc mà không báo trước cho công ty X. Xin hỏi, việc tự ý nghỉ việc của anh H có bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật không?

Trả lời:

Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 quy định: “Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này”.

Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.”

Công ty X đã điều chuyển anh H làm công việc khác quá 60 ngày làm việc (03 tháng) mà không có được sự đồng ý bằng văn bản của anh H. Do đó, anh H có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước cho công ty X. Việc nghỉ việc của anh H không bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Hỏi: Chị T là kế toán cho công ty X theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Nay chị T lập gia đình và chuyển đến thành phố khác sinh sống. Chị T có thể chấm dứt hợp đồng lao động với công ty X được không?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

– Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

– Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

– Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Chị T đang làm việc cho công ty X theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, nếu muốn nghỉ việc, chị có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo cho công ty X trước 45 ngày.

Related Articles