spot_img

Chế độ thai sản (Phần 1)

Hỏi: Lao động nam (độc thân) làm việc tại công ty từ tháng 9/2019 cho đến hiện tại, tham gia BHXH đầy đủ theo luật.

Từ tháng 1/2021, lao động nam mong muốn nhận con nuôi (dự sinh ngày 23/12/2021) sau khi hoàn tất các thủ tục nhận con nuôi tại địa phương. 

Mong đơn vị tư vấn trường hợp của Lao động nam như trên:

  1. Có được hưởng trợ cấp thai sản không?
  2. Nếu được thì chế độ như thế nào?
  3. Và cần cung cấp hồ sơ như thế nào?

Trả lời:

-Luật BHXH 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi là phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi nhận nuôi con nuôi.

-Mức hưởng = Mức bình quân tiền lương đóng BHXH 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc x 100% x số tháng nghỉ việc nuôi con nuôi.

-Ngoài ra, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng nhận con nuôi

=> Nếu đủ điều kiện nêu trên, người lao động nộp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho đơn vị lập hồ sơ chuyển cơ quan BHXH giải quyết trợ cấp thai sản

Hỏi: Sắp tới Công ty tôi có nhân viên nghỉ thai sản, dự tính thời gian từ 24/07/2018 đến 23/01/2019. Tổng thời gian là 183 ngày. Như vậy khi tính thời gian nghỉ thai sản làm cơ sở tính chế độ cho người lao động thì Cơ quan BHXH sẽ tính tròn 6 tháng (183 ngày) hay 180 ngày?

Trả lời:

-Theo quy định của Luật BHXH, trong chế độ thai sản có loại trợ cấp tính theo ngày (khám thai, lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con…) có loại trợ cấp tính theo tháng (lao động nữ sinh con…). Khi sinh con nếu đủ điều kiện theo quy định lao động nữ sẽ được nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản 06 tháng.

-Do phần mềm và danh sách C70a-HD dùng chung để xét duyệt cho cả trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe nên tại Cột 6 thể hiện tổng số ngày nghỉ, đơn vị chỉ thể hiện tổng số ngày (thông thường là 183 ngày), nhưng khi tính trợ cấp thì cơ quan Bảo hiểm xã hội chỉ tính mức lương bình quân x 06 tháng nghỉ thai sản, chứ không lấy lương bình quân x 180 ngày hoặc lương bình quân x 183 ngày.

Hỏi: Công ty chúng tôi có nhân viên nữ, sau khi hết kỳ nghỉ thai sản, nhân viên này nghỉ làm thêm 1 tháng (22 ngày công), trong đó có dùng 18 ngày là phép năm, 18 ngày này được trả lương như ngày làm việc bình thường. Xin hỏi vậy nhân viên đó và công ty có phải đóng 3 loại BH bắt buộc cho tháng đó không?

Trả lời:

-Căn cứ Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 38 Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của BHXH Việt Nam, ban hành quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế quy định người lao động không làm việc hoặc không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

-Thực hiện theo quy định trên, trường hợp người lao động nghỉ 1 tháng (22 ngày công), trong đó có dùng 18 ngày phép năm và được trả lương đầy đủ thì thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.

Hỏi: Theo Luật BHXH hiện hành, thì người chồng được hưởng chế độ BHXH khi vợ sinh con. Nhưng chúng tôi chưa hiểu được chi tiết vấn đề như sau:

  1. Trường hợp chỉ có chồng tham gia BHXH thì người chồng được hưởng những khoản nào BHXH chi trả.
  2. Trường hợp cả vợ và chồng đều tham gia BHXH thì ngoài khoản chế độ cho người vợ, người chồng được hưởng những khoản nào BHXH chi trả.

Trả lời:

1. Trường hợp vợ không tham gia BHXH, chồng tham gia BHXH thì người chồng được hưởng trợ cấp thai sản như sau:

  • Trợ cấp 1 lần khi vợ sinh con:

-Điều kiện hưởng: lao động nam phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi vợ sinh con (tương tự như điều kiện hưởng trợ cấp thai sản đối với lao động nữ sinh con).

-Mức hưởng = 2 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con.

  • Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

-Điều kiện hưởng: lao động nam đang tham gia BHXH.

-Số ngày nghỉ hưởng chế độ thai sản để chăm sóc vợ khi vợ sinh con:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

-Thủ tục hưởng: lao động nam nộp bản sao giấy khai sinh của con cho đơn vị sử dụng lao động nơi đang tham gia BHXH.

2. Trường hợp cả vợ, chồng tham gia BHXH thì người chồng chỉ được hưởng trợ cấp thai sản như sau: Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

-Điều kiện hưởng: lao động nam đang tham gia BHXH.

-Số ngày nghỉ hưởng chế độ thai sản để chăm sóc vợ khi vợ sinh con:

a) 05 ngày làm việc;

b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Related Articles