spot_img

Doanh nghiệp tìm hiểu về Bảo hiểm xã hội (Phần 1)

Hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi là công ty 100% vốn của Nhật Bản. Chủ sở hữu của chúng tôi là Công ty Nhật Bản. Trong quá trình hoạt động kinh doanh thì Công ty mẹ ở Nhật bản đã điều chuyển người lao động qua làm việc với chức danh là Tổng giám đốc. Với các thông tin như sau:

  • Người lao động nước ngoài này đã được xin giấy phép lao động theo hình thức di chuyển nội bộ, với chức danh là nhà quản lý
  • Người lao động nước ngoài này có nhận lương. Nguồn lương là từ Công ty chúng tôi trả theo hình thức Công ty mẹ chi trả hộ trực tiếp cho Người lao động, sau đó Công ty chúng tôi trả lại Công ty mẹ từ Quỹ lương của Công ty

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế thì đối tượng phải đóng bảo hiểm y tế là nhà quản lý của doanh nghiệp có hưởng lương.

Câu hỏi được đặt ra là: Người lao động nước ngoài là Tổng giám đốc – Nhà quản lý tại Công ty chúng tôi có thuộc đối tượng phải đóng Bảo hiểm y tế hay không?

Trả lời:

-Căn cứ công văn số 389/BYT-BH ngày 31/01/2020 của Bộ Y tế trả lời Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam về vướng mắc đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động nước ngoài, theo đó: đối tượng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam dưới hình thức di chuyển nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ gồm: nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng thì không thuộc đối tượng đóng BHYT.

-Đối chiếu với hướng dẫn trên, người lao động nước ngoài là Tổng giám đốc, nhà quản lý được công ty mẹ tại nước ngoài điều chuyển nội bộ sang Việt Nam làm việc thì không thuộc đối tượng đóng BHYT.

Hỏi: Ngày 7/12/2019 Công ty chúng tôi có hỏi về phụ cấp thâm niên có thuộc các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc hay không ? Nhưng đến hôm nay chưa nhận được câu trả lời để chúng tôi thực hiện. Vì vậy chúng tôi xin hỏi lại 1 lần nữa như sau:

Năm nay công ty chúng tôi có phát thêm 1 khoản phụ cấp thâm niên cho người lao động bằng tiền mặt. Khoản phụ cấp thâm niên này chỉ phát có 2 lần trong 1 năm là vào tháng 7/2019 và tháng 01/2020.

Xin hỏi: Khoản phụ cấp thâm niên này có thuộc các khoản thu nhập tính đóng BHXH bắt buộc hay không?

Trả lời:

-Căn cứ Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 và Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định đối với người lao động hưởng tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH từ 01/01/2018, gồm:

  • Mức lương ghi trong HĐLĐ;
  • Phụ cấp lương: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự;
  • Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

-Theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH thì các khoản không tính làm căn cứ đóng BHXH bao gồm:

  • Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động
  • Tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.

-Thực hiện theo quy định trên, các khoản phụ cấp thâm niên nếu không xác định được mức tiền cụ thể, không trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thì không thuộc khoản phải đóng BHXH bắt buộc.

Hỏi: Công ty chúng tôi có trụ sở chính tại Việt Nam và 01 chi nhánh tại Nhật Bản. Trường hợp chúng tôi điều chuyển người lao động từ Việt Nam sang Nhật Bản để làm việc tại chi nhánh công ty thì cần phải tuân thủ những quy định, thủ tục nào về BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc.

Trả lời:

-Căn cứ Công văn số 1660/BHXH-THU ngày 28/5/2015 của BHXT Thành phố về việc hướng dẫn thực hiện thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người lao động trong thời gian cử đi học hoặc công tác, đi lao động nước ngoài, nghỉ hưởng chế độ ốm đau dài ngày quy định:

  • Người lao động trong thời gian được cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài thì không phải đóng BHYT, thời gian đó được tính là thời gian tham gia BHYT cho đến ngày có quyết định trở lại làm việc của cơ quan, tổ chức cử đi; vẫn phải đóng BHXH, BHTN theo mức lương làm cơ sở trích nộp BHXH, BHTN trước khi được cử đi học tập, công tác tại nước ngoài.
  • Người lao động trong thời gian cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài mà vẫn hưởng tiền lương, tiền công tại đơn vị nơi cử người lao động đi: Mức đóng hằng tháng bằng 28% mức tiền lương, tiền công tháng, trong đó: BHXH: 26% (đơn vị: 18%, người lao động: 8%); BHTN: 2% (đơn vị: 1%, người lao động: 1%).
  • Người lao động trong thời gian cử đi học tập hoặc công tác tại nước ngoài không hưởng tiền lương, tiền công: Mức đóng hằng tháng bằng 22% (quỹ hưu trí và tử tuất) tính trên mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và do đối tượng đóng toàn bộ.

-Như vậy, đơn vị lập Danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (Mẫu số D02-TS); kèm theo công văn đề nghị thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong đó nêu rõ có hưởng lương hay không hưởng lương, Quyết định cử đi học tập hoặc công tác nước ngoài và các giấy tờ liên quan khác để cơ quan bảo hiểm xã hội cấp mã số theo dõi riêng. Đồng thời đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh giảm trên Mẫu số D02-TS (riêng với mẫu D02-TS báo tăng) theo mã đơn vị đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tại cột ghi chú ghi: “Đi học tập hoặc công tác nước ngoài”.

Related Articles