spot_img

Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Hỏi: Công ty trách nhiệm hữu hạn X ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với anh B. Anh B bị chấn thương đốt sống do tai nạn giao thông, đã nằm bệnh viện điều trị hơn 1 năm vẫn chưa bình phục nên Công ty X quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với anh B. Xin hỏi, công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh B là đúng hay sai? Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có được báo trước không?

Trả lời:

Điểm b, khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực ngày 01/01/2021 quy định: “Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động”

Anh B làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty X, bị tai nạn đã điều trị liên tục hơn 01 năm nhưng chưa bình phục. Do vậy, việc công ty X có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh B.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động năm 2019, trong trường hợp này, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động Công ty X phải báo trước cho anh B biết trước ít nhất 45 ngày.

Hỏi: Anh Nguyễn Văn A làm việc tại Công ty CP may X. Anh được Công ty ký hợp đồng lao động có thời hạn để làm công việc như kỹ thuật viên công nghệ may từ 01/9/2017 đến hết 30/6/2019. Tại đại hội Công đoàn Công ty nhiệm kỳ 2019-2020 được tổ chức vào tháng 3/2019, anh A được đại hội bầu làm Chủ tịch công đoàn Công ty. Ngày 15/6/2019, trước khi hết hạn hợp đồng 15 ngày, Giám đốc Công ty CP May X ký thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với anh A vào thời điểm 30/6/2019 vì hợp đồng lao động giữa Công ty ký với anh A hết hạn.

Giả sử áp dụng các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 trong tình huống này. Việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động đối với anh A có đúng pháp luật không?

Trả lời:

Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, một trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động là Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này

Khoản 4 điều 177 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định:

“Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.”

Trường hợp của anh Nguyễn Văn A là chủ tịch công đoàn cơ sở của Công ty (nhiệm kỳ 2019-2020). Mặc dù đến 30/6/2019, hợp đồng lao động mà Công ty ký kết với anh A hết hạn, nhưng anh A vẫn đang trong nhiệm kỳ công đoàn thì được gia hạn hợp đồng lao động tới khi hết nhiệm kỳ đại hội. Như vậy, việc Công ty Cổ phần May X chấm dứt hợp đồng lao động với anh A là trái pháp luật.

Hỏi: Chị Y làm việc cho một công ty nước ngoài và được ký hợp đồng có thời hạn 02 năm từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2021. Giả sử, năm 2021 chị Y mang thai và sinh con vào tháng 11/2021. Vậy tới ngày hết hạn hợp đồng lao động (12/2021), công ty có quyền chấm dứt hợp đồng với chị Y không?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực ngày 01/01/2021 quy định: Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

Trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới.”

– Khoản 1 điều 34 Bộ luật Lao động quy định về chấm dứt hợp đồng lao động  khi hết hạn hợp đồng lao động.

Trong tình huống trên, hợp đồng lao động của chị Y có hiệu lực từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2021 là hợp đồng lao động có xác định thời hạn 2 năm. Có thể xử lý theo 02 trường hợp sau:

Trường hợp 1: Trước khi hết hạn hợp đồng lao động nếu chị Y có nhu cầu tiếp tục làm việc tại công ty thì người sử dụng lao động phải ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới với chị Y

Trường hợp 2: Nếu trước khi hết hiệu lực hợp đồng lao động mà 2 bên không có thỏa thuận gì bằng văn bản thì công ty có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với chị Y vào thời điểm tháng 12/2021 mà không phụ thuộc vào việc chị Y mang thai hay không.

Vậy để đảm bảo quyền lợi của mình, trước khi hết hạn hợp đồng, chị Y nên đề nghị, thỏa thuận cụ thể với người sử dụng lao động để được ký tiếp hợp đồng lao động nếu hai bên có nhu cầu.

Related Articles