Hỏi: A là sinh viên đi làm thêm, chủ cửa hàng có đưa A ký văn bản Thỏa thuận công việc, trong đó ghi thông tin bên giao việc là chủ cửa hàng, bên nhận việc là A, các công việc A phải làm, thời gian làm hàng ngày, mức tiền công được nhận tính theo tuần, các trường hợp bị trừ tiền, thưởng tiền… A làm ở đó được 3 tháng, vì A bị ốm nên xin nghỉ 03 ngày. Khi đến làm lại thì chủ cửa hàng nói đã thuê người khác. A đề nghị thanh toán nốt tiền công tuần cuối cùng cho A nhưng chủ cửa hàng nói A xin nghỉ đột xuất, cửa hàng mất tiền môi giới tìm người thay nên tiền đó bị trừ vào khoản tiền công của A do gây thiệt hại cho cửa hàng. Còn dọa A là bản Thỏa thuận công việc đó không phải hợp đồng lao động nên A không có căn cứ để kiện được. Chủ cửa hàng nói như vậy có đúng không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019 về Hợp đồng lao động thì:
1. Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Căn cứ khoản 1 nêu trên và trường hợp của A mặc dù A và chủ cửa hàng ký bản Thỏa thuận công việc, chứ không phải hợp đồng lao động, nhưng trong bản Thỏa thuận công việc có nội dung về việc làm có trả công, tiền lương, thời gian làm thì phải coi đó là Hợp đồng lao động. Và A có thể căn cứ văn bản thỏa thuận này để làm căn cứ khởi kiện chủ cửa hàng đã không làm đúng thỏa thuận trả tiền công ban đầu đã ký kết, bảo đảm quyền lợi cho mình.