spot_img

Vấn đề tiền lương trong pháp luật lao động

Hỏi: X là công nhân nhà máy, vừa bị tai nạn lao động nên đang nghỉ theo chế độ. Sắp đến kỳ trả lương hàng tháng, trường hợp X không thể đến nhận lương thì phải giải quyết như thế nào để bảo đảm quyền lợi? Được biết công ty của X chỉ trả lương bằng tiền mặt.

Trả lời:

Khoản 1 Điều 94 Bộ luật lao động năm 2019 đã quy định trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Đây là điểm mới so với bộ luật lao động năm 2012.

Như vậy, nếu X không thể đến công ty nhận lương, có thể ủy quyền cho người khác đến nhận hộ để đảm bảo quyền lợi của mình.

Hỏi: Do vi phạm hợp đồng lao động, A đã bị người sử dụng lao động cho ngừng việc. Trường hợp này, A có được trả lương hay không?

Trả lời:

Điều 99 Bộ luật lao động năm 2019 quy định, trong trường hợp ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

– Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

– Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

– Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

+ Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

+ Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, trong trường hợp của A, do A vi phạm hợp đồng lao động nên lỗi được xác định là của A nên A sẽ không được trả lương ngừng việc.

Hỏi: Tôi được biết, người lao động được tạm ứng tiền lương để thực hiện nghĩa vụ công dân của  mình. Hiện nay tôi đang là nhân viên văn phòng, có giấy gọi tham gia nghĩa vụ quân sự. Xin hỏi, tôi sẽ được tạm ứng tiền lương với mức bao nhiêu?

Trả lời:

Điều 101 Bộ luật lao động năm 2019 quy định, người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi. Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 01 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng. Tuy nhiên, người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

Vì vậy, bạn sẽ không được tạm ứng tiền lương khi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Hỏi: A là công nhân của xưởng chế tác gỗ, trong một lần làm việc, A lỡ làm hỏng máy cắt gỗ của xưởng, phải bồi thường thiệt hại. Chủ xưởng cho biết sẽ khấu trừ vào tiền lương của A. Đề nghị cho biết mức khấu trừ tiền lương là bao nhiêu?

Trả lời:

Điều 102 Bộ luật lao động năm 2019 quy định, Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, theo quy định tại Điều 102, A sẽ bị người sử dụng lao động khấu trừ không quá 30% tiền lương tháng sau khi đã trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Related Articles