Hỏi: Có ý kiến cho rằng do tính đặc thù của các công việc của lao động giúp việc gia đình, nên các bên không ký kết hợp đồng lao động mà có thể thỏa thuận bằng miệng. Đề nghị cho biết vấn đề này được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 162 Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.
Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.
Hỏi: Chị K làm giúp việc gia đình cho vợ chồng chị V và hai bên thỏa thuận thời hạn là 02 năm. Hơn 01 năm, vì hoàn cảnh gia đình chị K muốn nghỉ việc về quê. Chị V không đồng ý, cho rằng chị K đã vi phạm thời hạn hợp đồng và không trả 01 tháng tiền lương. Trường hợp này được giải quyết như thế nào?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 162 Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thòa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.
Theo đó, đối với trường hợp nêu trên, chị K có quyền chấm dứt hợp đồng lao động mặc dù chưa hết thời hạn theo thỏa thuận. Tuy nhiên, chị K phải báo trước cho chị V biết trước ít nhất 15 ngày. Việc chị V không trả 01 tháng tiền lương là trái pháp luật.