Việc hiểu rõ cấu trúc của tài liệu sáng chế là rất quan trọng vì việc này không chỉ hữu ích cho việc nộp đơn đăng sáng chế mà còn giúp tìm trong tài liệu sáng chế các thông tin kỹ thuật, pháp lý và/hoặc thương mại mà bạn quan tâm. Tài liệu sáng chế có cấu trúc tương đối giống nhau trên toàn thế giới và tuy đôi khi có những thay đổi nhỏ nhưng nhìn chung được bố trí như sau:
- Trang đầu tiên: là trang tóm tắt về sáng chế, gồm các thông tin về ngày nộp đơn, ngày ưu tiên, ngày cấp bằng (nếu sáng chế được bảo hộ), số bằng, thông tin về tác giả sáng chế, người nộp đơn và đại diện sở hữu công nghiệp (nếu có), dữ liệu kỹ thuật và phân loại, và bản mô tả tóm tắt về sáng chế cùng với hình vẽ.
- Bản mô tả: mô tả chi tiết về sáng chế đến mức mà người có trình độ trong cùng lĩnh vực có thể thực hiện được sáng chế theo bản mô tả và hình vẽ. Trong thực tế, có những đối tượng (ví dụ, trình tự gen đối với sáng chế thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học) cần phải có các tài liệu hỗ trợ thêm bằng đĩa mềm, đĩa CD hoặc các phương tiện lưu giữ khác tách biệt với tài liệu sáng chế thông thường.
- Yêu cầu bảo hộ: xác định phạm vi bảo hộ. Nhìn chung, đây được coi là nội dung quan trọng nhất của sáng chế. Điều quan trọng là yêu cầu bảo hộ phải được soạn thảo tốt, nêu chính xác các nội dung mới của sáng chế. Yêu cầu bảo hộ thường được đánh số, với số 1 thường là điểm yêu cầu bảo hộ rộng nhất và sau đó là các điểm yêu cầu bảo hộ “phụ thuộc”, tham chiếu ngược trở lại điểm các điểm yêu cầu bảo hộ trước đó. Yêu cầu bảo hộ sáng chế phải được minh họa bằng bản mô tả và hình vẽ.
- Hình vẽ: minh họa các chi tiết kỹ thuật của sáng chế. Có thể có nhiều hình vẽ nếu thấy cần thiết. Thông thường, hình vẽ được đánh số chỉ dẫn cho các phần hoặc điểm kỹ thuật khác nhau được để cập đến trong bản mô tả.
- Báo cáo tra cứu: do cơ quan sáng chế cung cấp, gồm danh mục các sáng chế, sách, bài báo, tài liệu hội thảo, v.v., có liên quan đến sáng chế đang được xem xét. Đây có thể là những thông tin có ý nghĩa lớn nhưng thường lại bị những người sử dụng tư liệu sáng chế để tra cứu thông tin bỏ qua.