Nếu bạn muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ ở nhiều quốc gia nhưng bạn lại thấy rằng việc nộp đơn riêng lẻ ở từng quốc gia là rất phức tạp và tốn kém, thì bạn có thể nộp đơn đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid được điều chỉnh bởi hai điều ước quốc tế là Thỏa ước Madrid liên quan đến việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu và Nghị định thư Madrid. Trong khi một số quốc gia có thể là thành viên của cả hai điều ước thì các quốc gia khác lại chỉ là thành viên của một trong số hai điều ước này. Hệ thống này do Văn phòng quốc tế của WIPO quản lý nhằm duy trì việc đăng ký quốc tế và xuất bản Công báo của WIPO về nhãn hiệu quốc tế.
Đơn quốc tế theo Hệ thống Madrid
Đơn đăng ký quốc tế theo Hệ thống Madrid có thể được nộp bởi thể nhân hoặc pháp nhân có cơ sở thương mại hoặc công nghiệp thực thụ và có hiệu quả tại, hoặc cư trú tại, hoặc là công dân của một trong số các quốc gia thành viên Thỏa ước Madrid và/hoặc Nghị định thư.
Nhãn hiệu có thể là đối tượng của đơn đăng ký quốc tế chỉ khi nhãn hiệu đó đã được đăng ký (hoặc, trong trường hợp đơn đăng ký theo Nghị định thư thì đơn đó đã được nộp) tại Cơ quan nhãn hiệu của quốc gia thành viên mà người nộp đơn có mối liên hệ cần thiết, được gọi là Cơ quan xuất xứ.
Các ưu điểm chính của việc sử dụng Hệ thống Madrid là chủ sở hữu nhãn hiệu có thể bảo hộ nhãn hiệu của mình ở nhiều quốc gia/ thành viên khác nhau của Hệ thống Madrid bằng cách nộp một đơn duy nhất; bằng một ngôn ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc Tây Ban Nha, cho dù Cơ quan xuất xứ có thể giới hạn việc lựa chọn của người nộp đơn ở một trong số các ngôn ngữ này); chỉ phải đóng một khoản phí bằng một loại tiền. Tuy nhiên, những thay đổi liên quan đến việc nộp đơn quốc tế và việc gia hạn đăng ký có thể được thực hiện theo một trình tự thủ tục duy nhất mà có hiệu lực ở tất cả các quốc gia thành viên được chỉ định.
Có thể bảo hộ nhãn hiệu ở quốc gia bất kỳ là thành viên của cùng điều ước (Thỏa ước hoặc Nghị định thư) có cơ quan nhãn hiệu quốc gia là Cơ quan xuất xứ. Việc bảo hộ ở các quốc gia khác sẽ được thực hiện thông qua việc chỉ định trong đơn đăng ký quốc tế và việc bảo hộ ở các quốc gia tiếp theo có thể được thực hiện trên cơ sở sự chỉ định sau đó.
Các khoản phí theo Hệ thống Madrid
Khi nộp đơn yêu cầu bảo hộ quốc tế, bạn sẽ phải nộp các khoản phí sau:
- Phí cơ bản là 653 Franc Thụy Sỹ (hoặc 903 Franc Thụy Sỹ, nếu nhãn hiệu có màu);
- Hoặc phí chỉ định tiêu chuẩn là 73 Franc Thụy Sỹ hoặc phí chỉ định riêng với mức được ấn định bởi quốc gia có liên quan đối với từng quốc gia được chỉ định;
- Một khoản phụ phí là 73 Franc Thụy Sỹ cho mỗi nhóm hàng hóa và dịch vụ vượt quá ba (tuy nhiên, sẽ không phải nộp phụ phí nếu tất cả các quốc gia được chỉ định áp dụng phí riêng).
Cơ quan nhãn hiệu của quốc gia được chỉ định có quyền từ chối bảo hộ nhãn hiệu trong lãnh thổ của mình. Việc từ chối có thể dựa trên cơ sở mà đơn đăng ký bảo hộ được nộp trực tiếp tại Cơ quan đó cũng có thể bị từ chối. Việc từ chối sẽ được thông báo cho Văn phòng Quốc tế và được lưu tại Đăng bạ quốc tế.
Về nguyên tắc, việc từ chối bất kỳ phải được đưa ra chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày cơ quan nhãn hiệu có liên quan nhận được thông báo về việc chỉ định. Tuy nhiên, nếu một quốc gia được chỉ định theo Nghị định thư thì thời hạn liên quan đến việc từ chối có thể được kéo dài đến 18 tháng. Một quốc gia cũng có thể tuyên bố rằng việc từ chối được dựa trên sự phản đối mà có thể được đưa ra sau khi thời hạn 18 tháng kết thúc, tuy nhiên, với điều kiện cơ quan nhãn hiệu có liên quan phải thông báo cho Văn phòng Quốc tế về khả năng này trong vòng 18 tháng.
Vì vậy, khi kết thúc thời hạn nêu trên, người nộp đơn đăng ký bảo hộ quốc tế có thể biết được nhãn hiệu có được chấp nhận bảo hộ ở các quốc gia được chỉ định hay không, hay việc bảo hộ bị từ chối ở một quốc gia nhất định hay không, hay vẫn có khả năng từ chối trên cơ sở phản đối tại một quốc gia nhất định. Đơn đăng ký quốc tế có hiệu lực 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần với thời hạn 10 năm, với điều kiện phải nộp các khoản phí quy định.