Hỏi:
Theo tài liệu tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp -Chính quyền TP ngày 23/07/2019, câu hỏi số 12.1 thì công ty (trụ sở chính) thanh toán chi phí thay cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc nếu đáp ứng các điều kiện tại Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC) thì được tính vào chi phí được trừ. Nghĩa là việc công ty thanh toán thay cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc được xem là thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên công văn số 3164/CT-TTHT của Cục thuế TP. HCM thì việc công ty (trụ sở chính) nhận tiền từ khách hàng thay cho chi nhánh hoạch toán phụ thuộc được xem là thanh toán cho bên thứ ba và việc công ty nhận tiền thay chi nhánh phải có quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản.
Vì sao lại có sự khác biệt khi xem xét việc thanh toán thay giữa công ty và chi nhánh hạch toán phụ thuộc trong việc ghi nhận chi phí và doanh thu? Theo đó nếu công ty (trụ sở chính) muốn nhận tiền hàng hóa, dịch vụ thay cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì việc thanh toán này được xem là thanh toán cho bên thứ ba. Còn nếu công ty(trụ sở chính) thanh toán chi phí thay chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì việc thanh toán này vẫn được xem là thanh toán không dùng tiền mặt?
Trả lời:
-Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN quy định các khoản chi được trừ và không được trừ thì: “Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.”
-Căn cứ Khoản 10, Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào thì:
“…c) Trường hợp hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp sau khi thực hiện các hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế đối với trường hợp có chứng từ thanh toán qua ngân hàng.…”.
-Căn cứ Điểm b.3, Khoản 3, Điều 16 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào của HHDV xuất khẩu thì: “Trường hợp phía nước ngoài uỷ quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán thì việc thanh toán theo uỷ quyền phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng – nếu có).”
-Căn cứ theo các quy định trên thì tài liệu Hội nghị đối thoại doanh nghiệp – Chính quyền TP ngày 23/7/2019 và Công văn số số 3164/CT-TTHT của Cục Thuế TP không có sự khác biệt đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt giữa Công ty (trụ sở chính) và Chi nhánh hạch toán phụ thuộc.
=> Như vậy về nguyên tắc khi trụ sở chính nhận tiền HHDV hoặc thanh toán tiền mua HHDV thay cho Chi nhánh hạch toán phụ thuộc (hoặc ngược lại) thì trong Hợp đồng mua bán HHDV của trụ sở chính hoặc của Chi nhánh hạch toán phụ thuộc ký với khách hàng phải quy định rõ việc thanh toán ủy quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba trong hợp đồng mua bán HHDV với khách hàng thì mới đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào và tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định.